Thật ra mình không thích đi Lạc Dương lắm đâu, lúc mình căn nhắc để cho Lạc Dương vào lịch trình con đường tơ lụa trên đất Trung Quốc, mình đã phải bỏ ra rồi bỏ vô không biết bao lần. Có điều vì lên 1 cái group thấy các bạn khen Lạc Dương quá trời (tại vì hồi xưa nó là cố đô của Trung Quốc bao nhiêu đời vua), và có nhiều nơi mình muốn đi: hang đá chứa tượng Phật, Thiếu Lâm Tự. Thế là đi thật, và điểm đến đầu tiên của mình là… Thiếu Lâm Tự, chia sẻ với mọi người con đường đi Thiếu Lâm tự của mình nha.
Chuyến tàu cao tốc từ Tây An đi Lạc Dương xuất phát lúc nửa đêm
Mình đến Tây An rồi sau đó đi lòng vòng mấy tỉnh trên con đường tơ lụa, để rồi lại lòng vòng trở về Tây An để bắt chuyến tàu đi Bắc Kinh. Cũng may là mình chọn khách sạn cách ga tàu có 700m thôi nên thay vì đi xe taxi để đến bến tàu, mình lệnh khệnh xách cái vali 20kg đến ga tàu cũ rích ở Tây An. Mà nói thật, đúng là nó cũ rích nên bạn nào đến đây sẽ trải nghiệm được cuộc sống chân thực, mưu sinh vất vả, nhiều mảnh đời ở cái đất Tây An này. Cơ mà vì đã đi cái bến tàu cao tốc ở Tây An (nó gọi là Xian North Railway station hay là Xian Beizhan) nên cái bến tàu Trung Tâm cũ này làm mình thấy hơi thất vọng vì nó chật chội, đông đúc, lôi thôi lếch thếch quá. Phòng chờ tàu ngập trong người và người, đủ các loại hành lí, quần áo, mùi vị của thuốc lá, của đồ ăn cứ trộn lẫn vào nhau còn ngoài trời thì đang lành lạnh dần :(. Đã thế, cái ga tàu nằm ở trên, phải xách theo hành lí đi bộ đến mướt mồ hôi mới đúng đường ray, và đường ray muốn tìm phải biết hỏi đường, phải nắm được bảng điện tử. May mà mình có hỏi được 1 số các bạn nhỏ quanh đó, nên họ thân tình chỉ cho, rồi tiếp tục hỏi tiếp các bác các cô nhân viên ở đây. Đương lúc tay xách nách mang kéo vali đi lên thì gặp 1 anh chàng hán tử có vẻ phong trần, đỡ hộ hành lí cho mình, có điều đáng tiếc là trông anh hơi già (chắc phải 40 tuổi) và không đẹp trai cho lắm :v.
Tàu mình đi Lạc Dương là tàu chậm nên cũng mất đến 4 tiếng, xuất phát lúc 11h45, mà bực nhất là mình phải nằm ở cái toa có 6 người/ toa, giường tầng, thốn nhất là nằm ở ngay chính giữa. Nói chung là được nằm là đã vui lắm rồi, vì ngồi còn cực khổ hơn. Tàu cũ bên Trung Quốc thì ghế ngồi cứng nó sẽ vẫn có đệm cơ mà nó cứng quá ngồi còn đau lưng, còn nằm thì ko nằm nổi, mình thử rồi, nên tiết kiệm mà vẫn được nằm thì bắt buộc phải chọn toa 6 người thôi. Thật ra thì mình cứ mơ mơ màng màng lên tàu, vào toa, nằm mà hành lí ko thèm để lên cao, cho thẳng xuống gầm giường luôn, may mà gầm giường ở toa mình nằm không có bãi nôn, ko có rác rưởi, nếu ko chắc buồn nôn lắm. Tàu đi Lạc Dương cũng cũ kĩ, nên cũng chẳng có gì mà ngắm, đã vậy lại còn đi vào lúc đêm hôm, nên tối om luôn. Quá mệt mỏi vì 1 ngày đi lại nhiều ở Tây An, mình chẳng làm gì nữa mà đã chìm luôn vào giấc ngủ. Rồi 4h hơn, tàu chuẩn bị dừng ở Lạc Dương, mình choàng tỉnh, suýt nữa tưởng qua mất, lục đục lấy hành lí đi xuống ga tàu. Tối om, ga tàu trông không khác mấy ga ở Tây An nên mình cũng chẳng để ý gì luôn, vác hành lí đi xuống phòng chờ, rồi từ phòng chờ đi ra ngoài.
Lạc Dương là nơi nào mà nghe quen thế
Bạn nào hay xem phim cổ trang của Tàu, đọc truyện ngôn tình cổ đại, rồi nghiền ngẫm các game đánh trận cổ đại thì chắc sẽ thấy Lạc Dương nghe rất quen, là bởi vì xưa kia, thành phố này đã từng là 1 trong 4 kinh đô của Trung Quốc cổ đại bên cạnh Trường An (nay là Tây An), Bắc Kinh, Nam Kinh. Chính vì thế nên Lạc Dương hiện tại vừa mang nét cổ kính, lại còn rất nhiều giá trị cổ học để người ta khám phá vì đã từng là kinh đô của các triều Hán, Bắc Nguỵ, hậu Đường, hậu Tấn…
Lạc Dương nằm ở đâu trên lãnh thổ Trung Quốc
Nhìn chung là Lạc Dương là thành phố ở vùng trung tâm Trung Quốc và xưa kia nó là khởi nguồn cho con đường tơ lụa (nhưng mà ko phổ biến bằng Tây An). Thời hiện đại thì đây là thủ phủ của tình Hà Nam (nghe đừng nhầm với Hà Nam nước mình nhé). Chính vì đây cũng là 1 thành phố khá là trung tâm, nên giao thông đi lại cũng khá thuận tiện
Đi đến Lạc Dương bằng cách nào?
Có ngàn vạn con đường đến thành Rome nên đến Lạc Dương cũng có 5-7 cách đi, phụ thuộc vào địa điểm xuất phát của bạn. Nhưng phổ biến thì dân du lịch thường hay chọn đi :
– Máy bay: nếu ở xa, rất xa
– Tàu: nếu là ở thành phố hoặc tỉnh khác
– Xe bus: Nếu ở cùng tỉnh đó.
Các bạn nên tra giá tàu, xe bus, máy bay rồi lựa chọn xem từ tỉnh các bạn muốn đi đến Lạc Dương thì giá cả như thế nào. Nói chung thì mình nghĩ nếu đi xa cứ đi tàu là tiện nhất, nằm trên tàu cũng có cái trải nghiệm khá ok. Còn bạn nào thời gian hạn chế thì cứ di chuyển bằng máy bay ấy. Thành phố lớn mà gần Lạc Dương nhất chắc là Zhengzhou (Trịnh Châu) và Xian (Tây An).
“Ngàn” dặm đường xa đi lấy “kinh” ở Thiếu lâm ^^
Ra khỏi bến tàu Lạc Dương, mình nhìn quanh xem có nơi nào ngồi tá túc để làm tí đồ ăn cho ấm bụng không, và cuối cùng cũng tìm được 1 cái quán nho nhỏ, đồ ăn lại còn có cả hình vẽ mô tả, trực quan sống động. Đồ ăn ở miền trung tâm Trung Quốc na ná Tây An, toàn bánh bao và cả mì nên ăn ngán kinh khủng. Vào quán ăn chẳng có mống nào, hơi lành lạnh nhưng có cái bàn ngó ra ngoài phố, mình vừa gọi 1 bát xủi cảo hay là tiểu long bao nho nhỏ, vừa xem xét coi cái bến xe nó nằm ở đâu. Bật google translate và cái google map, mình hỏi ông chủ quán coi cái bến xe ở chỗ nào, và hên quá, nó nằm ngay… đối diện cái quán ăn này :v. Thế là sau 5 phút ngồi chờ ông chủ chế biến cái món xỉu cảo hấp hấp gì đó mình chịu ko nhớ nổi tên, mình đã tra ra được cái giờ xe chạy và ung dung ngồi thưởng thức buổi sáng siêu sớm ở Lạc Dương. 4-5h sáng, trời tối như mực vì chỗ này đã là cuối thu, nên chẳng có ma nào trừ 1 số người dân đi xe bus sớm như mình. 5 phút ăn xong 4-5 cái bánh xủi cảo, mình trả cho lão bản 6 tệ (èo, ko tin nổi vì nó rẻ bèo á), mình tay xách nách mang vào chỗ bến xe bên kia đường hỏi vé đi Thiếu Lâm Tự.
4h30, trời vẫn chưa sáng hẳn, mình mua được vé đi Thiếu Lâm Tự lúc 5h20, sau 1 hồi khoa chân múa mép hỏi chị gái bán vé. Xe đi lên Thiếu Lâm Tự không phải là xe bus mà mình nghĩ, nó là 1 cái xe khách nho nhỏ, be bé, bến xe cũng nhỏ và không có xíu tiếng Anh nào, nên Google translate là thứ mình sử dụng thường xuyên nhất. Để vào được chỗ xe đậu thì phải ngồi chờ mướt mồ hôi bên ngoài, và qua 1 cửa kiểm soát an ninh, soi chiếu passport, hình ảnh qua 1 cái mắt thần, đây là điểm đặc biệt ở bến xe Lạc Dương so với các bến xe khác. Nhờ cái này thì hãng xe, bến xe hoàn toàn có thể biết được ai sẽ đến bến xe thời điểm đó, họ lên chuyến xe nào và cái thông tin họ dùng có chính xác không, 1 phần nào đó mình thấy nó hơi lấy mất các tư liệu cá nhân (VD như hình ảnh của mình), nhưng 1 phần nào đó nó cũng mang lại lợi ích cho TQ trong việc kiểm soát các phương tiện công cộng và người dân dễ dàng nhanh chóng (năm mình đi là 2018- 2 năm trước khi có Covid nhưng mình đoán công nghệ này cũng giúp người ta truy vết, khoanh vùng tìm F0, F1… dễ dàng hơn vào 2 năm sau đó, thế mới thấy, càng đông dân thì càng cần công nghệ là vậy).
Thiếu Lâm Tự ở đâu
Có Bắc, Trung, Nam Thiếu Lâm, có nơi có dạy võ, có nơi không, nhưng nổi nhất vẫn là chùa Thiếu Lâm ở dãy Tung Sơn, nằm giữa 2 thành phố lớn là Trịnh Châu và Lạc Dương của tỉnh Hà Nam. Ngoài ra thì người ta còn nói Nam Thiếu Lâm ở Phúc kiến là cái nôi của Karate bên Nhật nên ngôi chùa này cũng khá là nổi.
Làm thế nào để đến Thiếu Lâm Tự
Thiếu lâm là 1 ngôi chùa trên núi nên là chẳng có cách nào đến đây ngoài đi bằng xe ô tô: xe bus, xe khách, hoặc đi theo tour. Nếu bạn nào tự đi như mình thì có thể chọn đi xe bus từ Trịnh Châu hoặc là xe khách từ Lạc Dương, chỗ này ở giữa 2 thành phố và giao thông đến đây khá thuận tiện, cách khoảng 60km-100km thôi
Từ Lạc Dương/Trịnh Châu đến Thiếu Lâm Tự mất bao nhiêu lâu
Vì chỉ cách 60km nên chỉ mất khoảng 1.5 tiếng là từ Lạc Dương đến Thiếu lâm tự rồi. Thường các xe sẽ bắt đầu từ 5h20 sáng và kết thúc lúc 12h đêm. Còn từ Trịnh Châu, vì cách 100km nên sẽ mất 2 tiếng và chuyến đi đầu tiên bắt đầu lúc 7h sáng. Tính ra Lạc Dương gần hơn 1 tí nên mình đã chọn đi từ Lạc Dương thay vì Trịnh Châu.
Vé xe bus đến Thiếu Lâm Tự
Giá vé xe bus từ Lạc Dương đến Thiếu Lâm tự là 19 tệ còn vé xe từ Trịnh Châu đến Thiếu Lâm là 28 tệ, đắt hơn hẳn 10 tệ :)).
Cuối cùng thì sau khi đã để khách đợi chán chê, tài xế chịu bước lên xe và chuyến đi Thiếu Lâm tự của mình chính thức lăn bánh. Chuyến xe lúc đầu có 3-4 khách, quá ít ỏi vì chuyến này là chuyến đầu thôi, nhưng trên đường xe đón thêm 1 đống khách đi chặng ngắn nữa, nên thành ra cũng không vắng vẻ nữa. Cảnh sắc hai bên đường từ Lạc Dương đi Thiếu Lâm có vẻ cũng nên thơ, có sông, hồ, núi, nhưng tiếc là trời… tối thui :))), nên mình chỉ được ngắm bình minh lúc gần đi lên Thiếu Lâm Tự thôi, bình minh kha khá là đẹp, khi xe đang đi qua 1 cái cầu nhỏ.
Thỉnh giáo võ học ở Thiếu Lâm Tự và bất ngờ gặp sư cụ trụ trì
Xe dừng trước cổng Thiếu Lâm nguy nga, bước vào thấy đúng là 1 địa điểm du lịch nổi tiếng, và rất may nó vắng hoe, nên càng thích hơn. Lúc này là đã 7h sáng rồi, nên trời đã vào đúng thời điểm người ta gọi là “giờ vàng nhiếp ảnh”, ánh nắng thì óng ánh như mật ngọt, còn mình như con bị hớp hồn bởi những cái cây hạnh xinh xắn ở đây, nhiều cây đã phủ màu vàng rực rồi.
Giá vé tham quan Thiếu Lâm Tự
Thiếu Lâm tự có gì thú vị?
Mất bao lâu để tham quan hết Thiếu Lâm tự?
Đi bộ lên núi và ngắm cảnh thu xinh đẹp quanh Thiếu Lâm tự
Vì 7h đến nơi thì cái bụng ăn wonton đã lại đói nên mình lân la xung quanh chỗ bán vé để coi Thiếu Lâm Tự có gì vui không. Phải nói luôn là vì đây là nơi tham quan phổ biến nên cái cổng chào to ơi là to có 1 cái màn hình lớn đang chiếu phim Thiếu lâm tự của Lý Liệt Kiệt năm 1982, xung quanh nơi này trông to đẹp là thế nhưng chủ yếu bán đồ kiểu lưu niệm, fastfood, mì, trà, chứ ko có hàng quán to, đã vậy lúc mình đi thì 80 % đang đóng cửa nên chẳng có cơ hội thử các món ăn ở đây xem đắt rẻ thế nào. Mình ghé vào 1 hàng trà sữa, bắt gặp 1 bạn võ sinh mặc áo đỏ tươi đi mua trà, thật ăn chơi mà, và mình cũng gọi theo món cậu chàng này uống luôn, hóa ra là kiểu trà sữa trái tim đỏ dễ thương, đúng chuẩn phong cách các em teen nơi này hay uống. Tuổi trẻ thật diệu kì mà.
Ở Thiếu Lâm Tự các bạn có thể để lại hành lí với mức phí 20 tệ giống như mình để loanh quanh đi chơi, chỗ left luggage ngay gần quầy bán vé nha.
Thiếu Lâm tự như bao ngôi chùa ở các nước Đông Á, đều trụ trên núi cao, nên việc leo lên cái chùa lớn, không hề đơn giản. Mình dành cả 1 tiếng buổi sáng chỉ để trekking lên được cái sân trước cổng chùa thôi đấy. Con đường đi lên từ cổng được rải nhựa lát gạch đá đẹp khang trang nhưng quốc bộ cũng mỏi cắng lắm nha. Bù lại, cảnh sắc nên thơ và trong trẻo của buổi sáng khiến tâm hồn thiếu nữ già như mình được lột (ah nhầm giải tỏa) đi ít nhiều mệt mỏi. Có câu, kẻ già thích leo núi, hẳn là vậy :v. Ở đây thì mình thích nhất là hàng cây xanh mướt mắt, rừng trúc, bao quanh các tường thành cũ, những con lạch nho nhỏ và các cây cầu nhỏ bắc qua.
Xem trộm các sư trẻ luyện võ, tình cờ bắt gặp sư cụ trụ trì
Mục đích của mình là mục sở thị các chú tiểu, võ sinh ở Thiếu Lâm Tự này, và quả thật, mình đã không lầm, họ đi chạy và tập đầy đường luôn, trong đó có cả người nước ngoài. Chú tiểu ở đây có vẻ nhỏ người, không cao lớn cho lắm, và họ đều mặc đồng phục xanh, để phân biệt với màu đỏ của võ sinh- võ sinh thì ko ăn chay niệm phật, còn các vị tiểu sư phụ kia thì có nhá. Nhưng lác nhác vẫn thấy 1 cơ số cạo đầu và mặc áo nâu, không biết là thuộc hệ sư thầy hay là hệ võ sinh nữa.
Lúc mình đi từ chân núi lên đến sân chùa, mình cũng đi qua 1 trường dạy võ, được chiêm ngưỡng đài đấu võ của các võ sinh Thiếu lâm, là chỗ người ta hay diễn show Thiếu Lâm nổi tiếng miễn phí. Thậm chí mình còn đi qua đúng lúc các võ sinh đang tập võ trên thao trường của họ, dù mình là kẻ ngoại đạo, mình len lén ngó qua cửa và cũng xem trộm được họ 1 tí :))). Hihi.
Không chỉ được gặp các võ sinh và các tiểu sư phụ, mình ghé qua khu đền chính thờ tự chính của Thiếu Lâm, mình cũng gặp kha khá các sư thầy và thậm chí cả bác sư cụ trụ trì đáng kính nữa. Hòa thượng Thiếu Lâm giờ cũng hiện đại, chạy show, làm kinh tế kinh đấy chứ không những gì mình tưởng tượng trong các tiểu thuyết đâu.
Ngôi chùa cổ ngàn năm tuổi, biểu tượng của võ thuật Trung Nguyên hóa ra là vậy
Thật ra lúc đến ngôi chùa cô nghìn năm tuổi, những gì mình biết về võ thuật Thiếu Lâm là những truyền thuyết được đăng trên các cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, những bộ phim chưởng thời xa xưa mà mình vẫn hay xem, không khỏi có chút thần thánh hóa nơi này. Mình đã từng nghĩ rằng ngôi chùa này kiểu được tổ chức kiểu dạng theo 1 kiến trúc nghiêm ngặt như các thành trì, có các chú tiểu, sư thầy ăn mặc như đội quân đầu trọc :))). Nhưng đến nơi mới thấy, ngôi chùa rất chi là mang mùi “1 địa điểm du lịch phổ biến”.
Cảnh sắc trên núi và trong chùa cũng khá là đẹp, nhưng nó cũng hiền hòa, yên tĩnh kiểu như các ngôi chùa được xây từ đời Tống ở Chiết Giang ấy. Chủ yếu chùa được bao quanh bởi những bức tường gạch sơn đỏ, mái ngói âm dương gốm sứ nhìn cũng khá đẹp mặt, màu xanh đậm, đối với màu đỏ thêm phần nét, đặc biệt được điểm xuyết những cành lá cây dẻ quạt đã vàng, gió thổi là rung rinh trong nắng.
Nói chung chùa này cũng bé, đã vậy còn 1 số chỗ bị hư hại chưa tu sửa nên có cảm giác nó cũng ko được hoàn mỹ lắm, kiến trúc không có gì quá phức tạp và trang trí điêu khắc thì cũng không quá nổi bật. Hương nhang được thắp trong điện thờ chính, ngoài ra, ở khu hậu viện, các sư thầy cũng bán thẻ săm, thư pháp, bản in khắc đá gì đó như kiểu văn bia cổ… Đúng là 1 chùa dành cho người tu hành luyện võ nên họ cũng không đặt nặng làm cho nó phải đẹp lung linh.
1 điều mình thắc mắc mãi là chỗ này không có… tàng thư các :v như trong truyện. Có vẻ như đúng là Thiếu Lâm tự đã được thần thánh hóa lên rất nhiều trong tiểu thuyết võ hiệp và phim ảnh, nên khi bước ra ngoài đời thực, nhìn vào, không khỏi thấy nó hơi thất vọng.
Những điều mình bỏ lỡ ở Thiếu Lâm tự
Vì đã dành ra 2 tiếng lang thang trong khu Thiếu Lâm tự, thỏa mãn 1 phần nào đó mục tiêu của mình ở đây nên mình đã dừng chuyến đi này trước khi được thực sự leo lên đỉnh Thiếu lâm, ngắm tượng Bồ Đề Đạt Ma và vì đến buổi sáng quá sớm nên bị miss mất buổi biểu diễn show võ lâm Thiếu Lâm miễn phí. Thật ra điều mình thấy tiếc không phải là cái tượng Bồ Đề Đạt Ma mà là đỉnh núi Tung Sơn đẹp với nhiều cây cối ngả vàng đẹp rực rỡ và hơn nữa là cái show miễn phí, ấn tượng của các sư thầy ở Thiếu Lâm. Bạn nào có duyên đến chùa Thiếu Lâm, nhớ đến vào đúng thời điểm có show nhé.