Nhân một ngày mưa rào mới nhớ Ô Trấn hoặc mưa bụi mịt mờ ở Giang Nam… Cái đất Giang Nam là thế, ngay cả đến những cơn mưa phùn bực bội tháng 3 cũng đầy cảm xúc, lại nhuộm mờ một Ô Trấn lung linh trong ánh đèn hưu hắt. Nỗi nhớ Ô trấn thúc giục mình viết bài này để sống lại những dòng cảm xúc không tên của mùa xuân năm ấy. Nếu bạn đang muốn đi Ô Trấn- thì hãy đọc và tham khảo hướng dẫn từ A-Z của mình nhé.
Bạn nào ngại đọc thì có thể view Video nè:
Đến với Ô Trấn là cái duyên!
Không hiếm người biết Wuzhen hay còn gọi là Ô Trấn (乌镇) vì nó được lọt top 10 cổ trấn đẹp nhất Trung Quốc từ lâu lắm rồi, và cứ mỗi năm, người ta lại thêm trầm trồ về nó. Còn mình, vốn là 1 đứa yêu thích cổ kính, rồi làng cổ, phố cổ, trấn cổ, nên thấy Ô Trấn- 1 cái cổ trấn được xây dựng từ thế kỉ thứ 9 (hơn tuổi Hà Nội và ngang cơ với Phượng Hoàng Cổ Trấn) 1 cái là mình thích ngay :3. Mình nghiên cứu về nó, xem clip về nó không biết mệt. Quả thật, trước khi làm lịch trình Ô Trấn, mình đã định hay là đi 1 cổ trấn khác, vì mình phát hiện gần Giang Nam có 1 tỉ tỉ các cổ trấn sông nước như nó:
- Tây Đường (Xitang): phim trường của Mission Impossible nổi tiếng, ấn tượng với những ngôi nhà và độ “cổ” của nó
- Châu Trang (Zhouzhuang): quả thực là cái to đẹp, hoành tráng hơn cả, xem video mà thấy lóa hết mắt.
- Chu Gia Giác (Zhujiajiao) nè, Đồng Lý (Tongli) rồi Nam Tầm (Nancun),
.. Và cái nào cũng đẹp. Còn Ô Trấn thì cứ như từ tranh thủy mặc bước ra. Bần cùng, mình quyết định rút thăm :)) và thế là duyên số đã đưa mình đến Ô Trấn. Sở dĩ hơi phân vân vì Ô trấn có vẻ đắt đỏ hơn nhiều so với Tây Đường (về giá tham quan =))) và hơn nữa Ô trấn nghe nói là rất touristy =))) nhưng tất nhiên không bằng Châu Trang, nên mình mới cân nhắc suy nghĩ. Mình thậm chí còn hỏi đứa bạn đã từng sống ở Hàng Châu xem nó đã đi hết tất cả các cổ trấn chưa thì nó bảo là trong tất cả, chỉ có Ô trấn là đẹp nhất :P. May quá, ông trời thương, đã run rủi mình đến Ô Trấn. Và đúng như câu quảng cáo về Ô Trấn đã thấy ngay khi đến nơi: Người thì đi nhưng hồn sẽ mãi ở lại nơi đây.
Đi Ô Trấn mùa nào đẹp nhất
Sẽ chẳng ai nói được mùa nào là mùa đẹp nhất ở nơi thiên đường nhân gian này, nhưng để mình phân tích 1 chút cái đẹp của mỗi mùa trên đất Giang Nam này nhé. Còn bạn chọn mùa nào thì theo sở thích của bạn nhé:
Ô Trấn Mùa Xuân
Thời gian: Tháng 2-> 4 :
Thời tiết: mưa bụi sụt sùi, và còn hơi hơi ẩm lạnh giống mùa đông của miền Bắc Việt Nam mình, nhất là tháng 2-đầu tháng 3. Lá chỉ bắt đầu xanh từ cuối tháng 3 trở đi nên khá hiu hắt. Hoa mận (tháng 2-3) còn hoa anh đào (tháng 3-4)
Đặc sắc: Tết Nguyên Đán, có lễ hội, có hoa xuân nở : đào mận và anh đào.
Ô Trấn Mùa Thu
Thời gian: Từ tháng 9-> 11
Thời tiết: Không khí có vẻ lành lạnh, man mác hơn, lá cây bắt đầu chuyển sang vàng, đỏ và đẹp nhất là dịp giữa cuối tháng 11 nhé.
Đặc sắc: thưởng thức nhiều thứ đặc trưng : dịp trung thu, lồng đèn thắp khắp nơi, lễ hội đặc sắc: múa lân, rước đèn, ăn đồ ăn sẽ ngon hơn… và cảnh sắc vô cùng đẹp
Ô Trấn Mùa Hè
Thời gian: Từ tháng 5-> 8 .
Thời tiết: Nắng, khá nóng và hay có mưa rào bất kỳ lúc nào. Chú ý mang ô theo.
Đặc sắc: Rặng liễu, lá cây xanh mướt khiến cho phong cảnh đúng chất Giang Nam, những giàn hoa, cây leo xun xoe trên những bức tường cổ kính- đặc trưng của Ô Trấn đấy. Thích nhất là những đóa hoa sen thơm ngát nở ở trên sông.
Ô Trấn Mùa Đông
Thời gian: Từ tháng 12->đầu tháng 2
Thời tiết: Nhiệt độ giảm mạnh, có tuyết phủ trắng mái nhà. Đầu mùa thì vẫn thấy lá vàng lá đỏ nhưng sau đó lá sẽ rụng hết.
Đặc sắc: đi thuyền trên sông, tết dương lịch sẽ có 1 số lễ hội, đi dạo và thưởng thức cảnh sắc và ngắm tuyết rơi. Đây là mùa thấp điểm nên rất rẻ + vắng vẻ.
Với mình thì mùa thu và mùa xuân là 2 mùa đẹp nhất để đi Ô Trấn. Ngoài ra, để tránh việc bị bao vây bởi hàng hà sa số những con người từ khắp mọi miền Trung Quốc đến Ô Trấn, mọi người cần chú ý tránh xa các dịp này:
– Tết Âm
– Nguyên Tiêu
– 30/4 và mùng 1/5
– Tết Trung Thu
– Mùa hè tháng 6-7 (đỉnh điểm của mùa du lịch nội địa TQ)
– Dịp quốc khánh TQ từ 1-> 7/10
– Cuối tuần
Nói chung cứ đi vào những ngày trong tuần là đẹp và vắng nha các tình yêu.
Làm thế nào để đến Ô Trấn
Nói qua 1 chút về cổ trấn này: nó trực thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc và rất gần thành phố Hàng Châu cũng như Tô Châu (có thể nói là nằm giữa). Thế cho nên chạ ai đi từ Việt Nam đến vùng này mà không đi vòng quanh các thành phố khác ở Giang Nam như Tô Châu, Hàng Châu, Thượng Hải. Và nếu đi từ 2 thành phố này thì sẽ chỉ mất khoảng 1.5 tiếng còn từ Thượng Hải phải hơn 2 tiếng. Để đi đến đây thì có rất nhiều phương tiện :P, mình liệt kê chi phí + cách đi luôn nhé. Chủ yếu mình sẽ đi Xe khách đến bến xe Wuzhen Bus station (乌镇汽车站) hoặc đi tàu đến bến tàu Tongxiang Railway station
Còn bến tàu Tongxiang (桐乡) thì sẽ trông ntn nè:
Đi từ Thượng Hải đến Ô Trấn
Đi xe khách
Luôn có xe từ bến xe khách phía Nam ở Thượng Hải (Shanghai South Long-Distance Bus Station). Điểm đến là bến xe Ô Trấn. Xe chạy 1 h có 1 chuyến từ 7h sáng đến 6h37 buổi chiều. Thời gian chạy là 2h.
Để mua vé, các bạn nên có tên tiếng Trung của Ô Trấn sẵn trong ĐT hoặc 1 tờ giấy hoặc bạn nào tự tin phát âm cái O Trấn chính xác thì mang ra hỏi ở quầy mua vé nhé. Nên nhớ bến xe của Thượng Hải đông vô cùng nên hãy biết đường mà đến ớm hơn 2 tiếng cho chắc.
Giá vé: 55 Tệ
Đi Tàu
Tàu cao tốc sẽ xuất phát từ ga Hongqiao Railway Station đến Tongxiang Railway Station. Từ đây, bạn phải đi xe bus số K282 đến bên xe Ô Trấn. Từ đó bạn đi loanh quanh khu Đông hoặc khu Tây của Ô Trấn.
Từ từ Thượng Hải đến Tongxiang chỉ tầm từ 40 phút- 1 tiếng (tùy từng tàu). Các bạn có thể đặt qua các trang : trip.com và Travelchinaguide. Mình prefer đặt trên Trip.com để giá rẻ nhất, tiện lợi nếu bạn đặt cả khách sạn lẫn mua vé máy bay.
Giá vé : 50 tệ nếu ạn đặt vé loại rẻ nhất. Sau đó bạn còn tốn thêm 2 tệ đi xe bus nữa.
Nói chung đi tàu là phương thức khá nhanh nhưng mà phải đặt trước. Xe khách thì tiện hơn vì lúc nào ra cũng sẽ có xe. Nhưng với những ai không biết tiếng thì vì lí do an toàn + giảm rủi ro, tốt nhất nên đi tàu nhé.
Đi từ Hàng Châu đến Ô Trấn
Cũng giống như Thượng Hải cũng có 2 phương tiện là tàu và xe khách.
Đi xe khách
Có 2 bến xe có xe đi đến Ô Trấn. 1 là Bến Hangzhou Airport và 1 bến là Jiubao Passenger Transport Center (杭州客运中心站) bến xe này thì cách trung tâm khoảng 10km đó). Nhưng bù lại thì đi đến O Trấn rất nhanh và tiện. Tổng thời gian đi là hơn 1 tiếng, xe cứ 25 phút lại bắt được 1 chuyến. Xe hoạt động từ 7:00 đến 6h20 tối ở bến Jiubao Passenger Transport Center. Còn bến Sân bay thì hoạt động từ 9h-> 21h10 nên cố gắng đến sớm trước lúc đó nhé.
Giá vé tầm 31 Tệ từ Jiubao Passenger Transport Center và 38 tệ nếu đi từ sân bay, rẻ hơn bên Thượng Hải nhiều.
Đi tàu
Cũng như Thượng Hải, Hàng Châu có tàu đi đến Tongxiang và tàu đi rất nhanh từ 17-29 phút. Ở Hàng Châu thì có 2 bến tàu là Hangzhou và Hangzhou East nhưng Hangzhou thì chỉ có 1 chuyến còn Hangzhou East thì cả ngày có nhiều chuyến, cách nhau 10 phút. Mức giá của tàu đi Tongxiang là 21.5 tệ, quá rẻ.
Đến Tongxiang thì bắt xe k282 đến Ô trấn nhé.
Đi từ Tô Châu đến Ô Trấn.
Xe khách
Xe khách sẽ đi từ Suzhou South Bus Station (苏州汽车客运南站)
hoặc Suzhou North Square (苏州北广场汽车站) đến Wuzhen Bus station trong vòng 1.5 tiếng và giá tiền là 37- tệ.
Thời gian đi từ Suzhou South Bus Station là 08:40, 09:55, 10:55, 11:55, 15:25, and 16:20
Còn đi từ Suzhou North Square là 8:15, 10h15, 10:30, 11:30, 12:30, 13:30, 15:00 , 15:55, 16:30, 17:20.
Bản thân mình đi bến xe Suzhou North Square và vôi vội vàng vàng vì bị lạc đường mất khá là nhiều time ở Suzhou chỗ phố Shantang.
Đi tàu
Không giống Hàng Châu hay Thượng Hải, tàu từ Tô Châu Đi Tongxiang đắt kinh hồn. Toàn từ 90 tệ trở lên 🙁 mà thời gian toàn đi trên 1 tiếng. Theo mình thì không nên đi tàu từ thành phố này. Btw, bạn có thể search tàu trên trip.com
Ô Trấn đi đâu làm gì?
Đi trong bao lâu và đi như thế nào
Đây là câu hỏi quan trọng nhất. Nhìn chung, theo mình thì nên có ít nhất 1 ngày 1 đêm ở Ô Trấn vì đây là cổ trấn đẹp cả ban ngày lẫn lung linh vô cùng khi đêm xuống, nếu bạn chỉ đi 1 buổi bạn sẽ bị bỏ lỡ rất nhiều thứ xinh đẹp. Ô Trấn thì người ta sẽ chia thành 4 khu chính: Đông Sách, Nam Sách, Tây Sách, Bắc Sách. Tuy nhiên thì Bắc sash và Nam Sách chủ yếu là cho dân cư sinh sống, nên hầu như ít thứ để ngắm, chơi. Khách du lịch tập trung chủ yếu và 2 khu chính: Đông Sách và Tây Sách. Thực tế khi mình đi mình cũng chỉ đi 2 khu này thôi.
- Đông Sách : Khu này mở cửa sớm thôi rồi và nó khá nhỏ, chủ yếu tập trung những ngôi nhà cổ ơi là cổ, rạp hát, những cửa hàng bán rượu, các nhà bảo tàng : bảo tàng đồ cưới, bảo tàng giường…, bến thuyền thì là nơi biểu diễn Kungfu… Khu này chính là khu có người dân thật sự sinh sống đã nhiều đời. Tóm lại nó cổ và cũ nát hơn nhiều nhưng nó là linh hồn thực sự của Ô Trấn và khi đến cổ trấn này, bạn nên dành ra ít nhất 2-3 tiếng tham quan khu này.
- Tây Sách: Chỗ này là 1 khu nhà cổ với khuôn viên rộng hơn rất nhiều so với Đông Sách. Tây sách không có dân cư sinh sống đâu vì nó gần như khu bảo tồn cao cấp. Chính vì thế mà mọi ngôi nhà, mọi thứ trong khu Tây Sách đều rất lung linh đến nỗi bạn nghĩ như nó không “cổ” như Đông Sách và rất nhiều người Trung Quốc thấy nó hơi “mới”. Tất nhiên về giá trị tự sướng và chụp ảnh thì khu này hơn đứt luôn =)))) Thế nên mình sẽ dành cả buổi chiều + tối ở khu này các bợn nhé.
Lịch trình 1 ngày và 1 đêm ở Ô Trấn (lịch trình 1)
- Buổi sáng : Đi xe khách chuyến sớm nhất tầm 8h30 đến Đông Sách. Mình sẽ khám phá Đông Sách đến 11h. Đi xe bus sang Tây Sách và ăn trưa ở đây.
- Buổi chiều: Khám phá Tây Sách từ chiều cho đến tối. Ngủ lại 1 đêm đến sáng hôm sau đi về.
Lịch trình 1 ngày – ko ngủ dêm ở Ô trấn (lịch trình 2)
- Buổi sáng: Đi xe khách chuyến sớm nhất tầm 8h30 đến Đông Sách. Mình sẽ khám phá Đông Sách đến 11h. Đi xe bus sang Tây Sách và ăn trưa ở đây.
- Buổi chiều: Khám phá Tây Sách từ chiều cho đến tối. Tối đi taxi ra bến tàu Tongxiang và từ đó đi tàu về các thành phố gần đó. Tàu thường có chuyến muộn nhất là 9h nên đủ thời gian để đi. Chú ý là chuyến xe bus muộn nhất từ Wuzhen Bus Station đến Tongxiang (xe bus K282) là 8h35 tối nhé.
Chuyến đi của mình thì mình vốn định đi kiểu tốn tiền hơn: tối đến Tây Sách, định là ngủ trong các khách sạn ở Tây Sách cho đến sáng hôm sau, đi khám phá Tây Sách không mất tiền và chiều hôm sau khám phá nốt Đông Sách rồi lên đường vô Hàng Châu luôn. Tuy nhiên đời chạ như là mơ, mình đến Tây Sách mới phát hiện là hostel nó nằm ngoài cổng =))) còn khách sạn bên trong thì đắt đến mức kinh dị luôn nên thôi, mình đành bỏ phí 1 đêm đó (hostel rởm đời trong khu cổ trấn đã 300 tệ/ đêm rồi :(), hôm sau thì vì mình thưởng thức đêm tối xinh đẹp ở Ô Trấn nên ở 1 đêm nữa, mỗi tội sau đó trời mưa, nên ko ở lại được lâu.
Đi lại trong Ô Trấn
Ở Ô trấn bạn sẽ có 4 lựa chọn đi lại tùy theo giá tiền:
- Xe bus: Free giữa 2 khu Đông Sách và Tây Sách nhưng chuyến cuối lúc 6h tối đó nhé. Nếu hết chuyến cuối thì mình đi cái xe K350 thì nó sẽ có đến tận 11h.
- Xe đạp: Bạn cần phải đăng ký app và có số đt sử dụng được ở Chiết Giang. Tuy nhiên vô cổ trấn là không được sử dụng xe đạp đâu, nó chỉ dùng để đi lại loanh quanh giữ các khu vực trong trấn thôi.
- Xe điện: Free nếu như có phòng trong cổ trấn. Nếu không mất 10 tệ/ người/ lần và chỉ trong khu Tây Sách mới có chứ Đông Sách không có đâu.
- Thuyền: Giá khác nhau giữa 2 nơi Đông và Tây Sách, cả thời gian chạy nữa:
- Tây Sách: vé 60 tệ/ người nhưng phải chờ 8 người đủ mới đi. Còn nếu bạn có nhóm riêng thì thuê charter thuyền là 480 tệ/ thuyền (maximum 8 người). Thuyền chạy từ 7:30 – 21:30
- Đông Sách: 30 tệ/ người nhưng cũng phải chờ 8 người mới được lên thuyền. Còn nếu có nhóm riêng thì charter thuyền là 240 tệ/ thuyền.
Theo mình thấy mật độ đi thuyền bên Đông Sách khá đông, các bạn có thể trải nghiệm đi thuyền bên Đông sách và đi bộ bên Tây sách =)), để tiết kiệm chi phí.
Một ngày ở Ô Trấn
Theo như lịch trình mình có chia sẻ ở trên thì mình đi Đông Sách trước, sau đó chiều tối mới đi Tây Sách. Lý do bởi vì các dịch vụ của Tây Sách buổi chiều mới mở còn Đông Sách buổi chiều đông ơi đông nên phải đi buổi sáng để thưởng thức mọi thứ xinh đẹp và bình yên nhất.
Đông Sách cổ kính và bề dày Văn Hóa vùng đất Giang Nam
Vé: 100 tệ
Mở cửa: 7h->5h 30 chiều (mùa hè là 6h đóng cửa)
Đông Sách không quá đẹp như bên Tây Sách nên nói thật đến đây mình không đi để chụp ảnh mà mình đi để thưởng thức văn hóa, ẩm thực và các vật phẩm của người dân tự sản xuất. Trong đó 1 số nơi nhất định các bạn nên đến nha:
- Bến thuyền
Như đã nói ở trên thì phí đi thuyền ở Đông Sách rẻ hơn 1/2 so với Tây Sách nên tận dụng. Bến thuyền ở Đông sách thì rất là gần cổng ra vào khu cổ trấn nên bạn có thể đi thuyền dọc theo sông đến cuối của Đông Sách xong quay lại bằng đường bộ và ngắm cảnh 2 bên bờ.
- Quán rượu
Quán này cũng là 1 cái workshop luôn, nếu bạn là người biết tiếng Trung có thể hỏi họ về quy trình, cách làm rượu cũng như loại rượu họ ủ, mình nghe nói thì có nhiều loại rượu phải ủ đến mấy chục năm cơ- giống kiểu nữ nhi hồng ấy.
- Cửa hàng vải nhuộm chàm
Vải nhuộm chàm (indigo) thì nổi tiếng ở mọi nơi, cả Vn, thậm chí dân tộc thiểu sốcũng nhiều. Chủ yếu lấy màu xanh của cây Chàm nhuộm vải, xong đợi nó khô thì in hoa văn màu trắng lên, rất nổi và đẹp mắt
Đến Trung Quốc thì nó nâng tầm hơn với nhiều loại hoa văn in gỗ đẹp hơn. Cửa hàng còn kiêm luôn workshop giới thiệu cách làm, mỗi tội không có tiếng Anh thôi. Ngoài làm quần áo thì người ta còn làm giày, rồi túi…
- Bảo tàng giường chiếu
- Bảo tàng phong tục tập quán
Đây cũng là 1 bảo tàng rất thú vị. Lên top của cái bảo tàng bạn sẽ thấy 1 cái lễ cưới đặc trưng được dựng bằng… tượng sáp nữa =)))
- Rạp hát
Có đủ kiểu nhưng chỗ này 1 giờ nhất định là có biểu diễn. Hôm mình đi thì chờ 1 lúc có biểu diễn nhưng xem ko hiểu gì vì họ hát hí khúc, tiếng Trung và hoàn toàn chạ có ai phiên dịch cả. Trên bản đồ có ghi là có biểu diễn múa rối bóng cơ mà không thể tìm thấy nổi.
Lịch biểu diễn không có nên mình cũng chịu không biết show của nó diễn lúc mấy h. Lúc mình đi qua thì 11h thì có đó nên mình đoán nó du di từ 10-12h nhé.
- Biểu diễn Kungfu trên thuyền
Kiểu mãi nghệ kiếm tiền đúng phong cách đất Giang Nam: người ta ko biểu diễn trên phố mà dùng 1 cái thuyền làm sân khấu, trên đó các bác võ sư bụng phệ tha hồ nhảy nhót, biểu diễn đủ mọi loại Kungfu mà chắc nổi tiếng nhất là Thiếu Lâm.
Cái màn biểu diễn mãi võ này thì lại diễn ra khá lâu, cứ 10 phút lại có 1 màn ra chào hỏi đánh đấm và diễu võ giương oai nhau từ 10h sáng-> 4h chiều.
Những con phố mua bán sầm uất
Nào đồ ăn, nào bánh kẹo, nào đồ lưu niệm xinh xắn. mọi thứ được phơi ra đầy đủ trên những con hẻm nhỏ ở Đông Sách. Các bạn nên mua cái quạt 10 tệ bằng vải ở đây nhé vì chỗ khác nó bán phải 20-30 tệ cơ :p. Ngoài ra nếu đi cùng người yêu thì nên mua 1 đôi tình nhân kết về để treo, có vẻ thiêng đấy.
Sát khu nhà dân ở là dòng kênh trong xanh nhưng khá nhỏ bé. Có rất nhiều quán bán trà dọc bờ kênh này và những quán trà ở đây thì theo kiểu truyền thống, có tiểu nhị rót trà và cứ gọi 1 ấm để cho mọi người cùng uống. Trà họ gọi theo ấm chứ ko gọi theo cốc nha :).
Tây Sách và những con phố lộng lẫy xinh đẹp và tinh xảo từng chi tiết
Vé: 150 tệ
Nếu mua combo chỉ còn 190 tệ
Thời gian: 9h sáng-> 22h tối
So với Đông Sách nhỏ bé, Tây Sách lớn hơn rất nhiều, phải gấp 2-3 lần. Khu này cũng là khu đẹp hơn, nhiều thứ để ngắm hơn, tập trung nhiều khách sạn hơn và cửa hàng ăn uống cũng nhiều, shopping xịn hơn nhưng lại ít bánh kẹo dân dã hơn.
NÓi chung khu này đắt hơn về giá nhưng giá trị tăng cao hơn gấp nhiều lần. Chủ đến đây là để hưởng thụ cái không khí của cổ trấn phía Nam: xinh xẻo, đáng yêu, dễ chịu nếu không quá đông đúc
Đến Tây Sách thì không thể không ghé qua những chỗ này nhé
- Thuê trang phục cổ trang và hóa trang thành các tiên nữ, tiểu thư, đại hiệp: Từ hồi trào lưu cổ phong bên Trung Quốc rầm rộ lên thì ở đâu đâu cũng thấy cho thuê đồ cổ trang và mình thấy giá cả ở Ô Trấn cũng rất hợp lí. Nếu các bạn thuê thì nên tìm ở ngay con đường bên ngoài cổng ô trấn nhé, thuê trước khi vào cổ trấn vì nó rẻ hơn. Giá thuê các nơi là như nhau, tầm 99-300 tệ/ bộ. 99 là kiểu thuê mỗi trang phục ko thôi. 119-120 tệ là giá thuê trang phục & làm tóc, makeup. Còn 300 là có cả chụp ảnh nhưng bọn nó chụp ảnh hơi tệ nên mình chỉ nên thuê trang phục đẹp đẹp và làm tóc, makeup thôi (có khi makeup cũng tự make).
- Nhà sản xuất tương Xuchang
- Cửa hàng bán chảo gang Yichang
Ẩm thực Trung Quốc nổi tiengs với đồ chiên xào nên nhu cầu chính của đầu bếp ở đây là kiếm những cái chảo võng lòng như thế này. Trong trấn thì chỉ có 1 cửa tiệm duy nhất sản xuất loại chảo gang để chiên xào này. Nhìn xa tưởng gì, đến gần mới phát hiện ra. Cái Chảo lớn dựng ngay thành tượng trước cửa hiệu luôn nha
- Chợ nổi (nhưng chỉ họp buổi sáng thôi), buổi chiều thì ko có ai họp, có đàn cá Koi Nhật Bản
Cái gọi là chợ nổi, thật ra thì nó là cái cầu xây dài hơn 1 chút, xunh quanh họ nuôi cá koi cho đệp, còn khi chợ họp thì thuyền sẽ cấp bờ, bán đồ cho khách.
Xung quanh cái chợ nổi này rất nhiều cảnh đẹp, nhà đẹp, quán ăn ngon. Đây là chỗ đầu tiên ở Tây Sách làm mình choáng ngợp vì nó đẹp quá. Nếu bạn tìm chỗ ăn trưa thì xung quanh khu này rất nhiều.
- Những góc phố xinh xắn
Nếu đi vào ngày trong tuần thì sẽ ko hề đông :P.
- Những bờ tường rêu phong cổ kính
- Những quán ăn cổ view ra dòng sông
- Những cây cầu xinh xinh
- Những con căn nhà cổ sát sạt bên bờ sông
- Đền Bạch Liên
Đây là nơi lập miếu thờ kiểu thành hoàng làng của trấn. Vì trấn này trồng dâu nuôi tằm và dệt vải nên đến vụ thu hoạch là dân làng sẽ đến đền thắp hương cầu thần phù hộ cho vụ mùa và vải vóc họ làm ra sẽ bán được giá. Đứng trên gác chuông của đền là thấy được overview của dòng sông và cả Ô Trấn nha.
- Miếu của Nguyệt lão
Mình rất ít khi thấy miếu Nguyệt Lão nhưng 1 khi đã đến Giang Nam thì kiểu miếu này thấy có ở mọi nơi :). Chứng tỏ ở đây trai xinh gái đẹp nhiều nên tình yêu tình báo cũng dào dạt. Đi mòn mỏi gót chân mình mới tới được cái miếu Nguyệt Lão, vì nó khá xa khu phố chợ và vì nó khá là “thiêng” theo người địa phương cho biết. (mà cái gì thiêng cũng phải ba sông cách núi mới đến nơi).
Hôm ấy mình cầu gặp đc 1 anh chàng phù hợp, thid đúng là tối về hostel lại gặp 1 anh giai TQ mới đến. Hơn 10 tuổi, cao tầm 1.8m, dáng dấp vs khuôn mặt ok, làm IT cho China mobile, nhà ở Quảng Châu, khá gần, đi du lịch gần hết TQ rồi, haizz những tưởng nhân duyên là đây vì nói chuyện cũng hợp, nhưng hoá ra người ta đã có vợ và con rồi… Đúng là do lời cầu khẩn của mình Nguyệt Lão nghe không hiểu tiếng đây mà =)).
Ngoài ra còn 1 số những thứ hay ho khác: những quán cafe gần đền Bạch Liên, những bảo tàng, nhà cổ của người nổi tiếng…, phim trường của 1 số phim mình không nhớ tên vì chưa xem bao giờ… Nói chung đều rất đáng đi và rất đẹp.
Số hơi đen 1 tí cho mình là đang thưởng thức cảnh đẹp thì trời… mưa và thế là tan tành luôn cái hi vọng quay lại Hàng Châu và spend 1 /2 ngày ở Hàng Châu nữa… hix. Nhưng những gì mình thấy và xem ở Ô Trấn đã quá đẹp rồi.
Ô Trấn ngay cả trong những cơn mưa hoang dại nhất, cũng lung linh khác thường, và đông nữa =)).
Đặt khách sạn ở Ô Trấn
Rất ít khách sạn ở trong trấn mà nó thường nằm ở đường bao ngoài của trấn nhé. Nên chọn cái nào gần cổng ở khu Tây Sách (xizha) nếu bạn muốn ở lại qua đêm nhé 🙂 Vì 6h là khu Đông Sách (Dongzha) đã tắt đèn và ko cho vào nữa. Chỉ có khu Tây sách (xizha) là mở đến 10h tối thôi.
Còn nếu các bạn ko phiền vì chi phí đắt đỏ thì ở lại ngay trong khu Tây Sách Xizha ấy. Khách sạn trong trấn cũng đẹp với cổ kính lắm. Và giá cũng đắt =)))
NÓi chung Hostel bèo nhất cũng 300-400 tệ/ người nha. Còn nếu là khách sạn boutique thì mặc định là 600 tệ/ người. Còn dorm thì cực hiếm, duy nhất 1 cái là Wisteria Youth Hostel giá khoảng 100 tệ/ người, mà bạn phải đặt trực tiếp với họ qua link này: http://www.ewuzhen.com/hotel/index!info.htm?id=201503151074511
Mình chưa thử nên chạ biết nó có work không. Thử coi.
. Còn nếu không bạn phải chịu mức phí cao để ở khách sạn xịn hơn và có thể đặt qua Trip.com hoặc Booking.com hay Agoda.com
Mình thì đặt trên Booking và ở hostel có tên là Jiuqi Inn Wuzhen Branch 1. Giá chỉ 50 tệ/ dorm và có nóng lạnh, có xí bệt chứ ko phải xí xổm, nhưng nó ko nằm trong khu cổ trấn mà nằm ở khu phố mới ngay ngoài cổng của Tây Sách. Với mình thì giá cả và mọi thứ đều ok :). Hơi tiếc là mình ko lường được việc trời mưa nên hơi ảnh hưởng về thời tiết 1 chút.
Ăn uống gì ở Ô Trấn.
Dù sao đây cũng là cổ trấn ở Giang Nam nên hầu như những món ngon của vùng đất Giang Nam này thì ở đây đều có. Theo mình thấy thì ở ngoài cổ trấn giá đồ ăn có vẻ đắt, nhất là cái phố mình ở hostel. Giá 1 bữa cơm là đã 100 tệ :). Bao gồm 1 đĩa rau xào bự, 1 con cá xào với miến, cơm. Rau thì 20 tệ nhưng cá thì 80 tệ đó người ạ.
Còn ở trong trấn có rất nhiều quán ăn ngon với giá rẻ, lại view đẹp. Đơn của là cái quán mình ăn trưa đây:
1 số món nên ăn:
- Cá chép xào chua ngọt
- Ngó sen xào đậu hà lan
- Cừ sốt xì dầu
- Bánh mochi
- Thịt kho Tô Đông Pha
- Vịt nấu niêu hoặc vịt quay
- Bánh xèo tôm nhảy
- Đầu cá nấu…
vân vân và mây mây =)). NÓi chung tìm hình ảnh mà chỉ cho họ món mình muốn ăn nhé. Đồ ăn ở đây thì không sợ nhiều gia vị vì họ làm khá thanh đạm, nhiều rau và khá healthy, ăn cảm giác giống Việt Nam nấu.
Nhìn chung các món có giá từ 15-20 tệ đến 100 tệ hoặc hơn/ càng là món thịt thì càng đắt.
Nếu muốn ăn ngon và rẻ thì có 1 số nhà hàng
Water Chamber Restaurant=> Nhà hàng này có view trên tầng 2 siêu đẹp nha. Địa chỉ là : No. 129, Xizha Street (east of Jingxing Bridge). Nhìn chung nó nằm gần cái chợ nổi nhé.
Yu Sheng Restaurant=> đây là cái mình ăn bữa trưa giá 50 tệ. BTW thì giá cả ở trong cổ trấn là tương đối đắt, có cái nhà hàng này rẻ lí do bởi vì nó ko có view ra sông :))). Nhưng đồ ăn ngon nha. Google cái ra cái nhà hàng này luôn.
Fengyuan Restaurant => cái này nằm ở Đông Sách cơ. Bạn nào đi đến đây lúc trưa có thể ghé qua ăn nhé.
Trên đây là 1 số kinh nghiệm của mình trong chuyến đi Ô Trấn vẻn vẹn 24h :). Bạn nào cần tư vấn lịch trình (mất ít phí), gửi cho mình thông tin về tranthanhhuyen33@gmail.com hoặc vào inbox mình ở đây:
Xem thêm kinh nghiệm du lịch Giang Nam của mình:
- Kinh nghiệm xin visa Trung Quốc
- Kinh nghiệm du lịch Hàng Châu Tô Châu
- Khám phá khu vườn Chuyết Chính viên lớn nhất Tô Châu